Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) ra đời năm 1965. Trải qua gần nửa thế kỉ, với nhiều khó khăn thử thách từ những ngày đầu thành lập, đến nay trường đã phát triển và trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục Thủ đô.
Đá nh giá Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Hà Nội có tốt không?
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai luôn nằm trong top dẫn đầu về chất lượng giáo dục của thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Trong nhiều năm liền nhà trường luôn giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc của thành phố Hà Nội. Đội ngũ giáo viên của nhà trường là những nhà giáo yêu nghề, nhiệt huyết và có trình độ chuyên môn cao.
Những thành tích mà trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đạt được sau đây chính là minh chứng rõ nhất cho uy tín và danh tiếng của nhà trường:
+ Trường nhiều năm liền thuộc top 200 trường THPT có kết quả thi cao nhất cả nước với kết quả điểm thi của nhiều em đạt từ 27 điểm trở lên.
+ Tỷ lệ đậu tốt nghiệp của học sinh lớp 12 là 100%, 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt.
+ Tỷ lệ đỗ đại học đạt 90% trong đó có nhiều lớp đạt tỷ lệ đỗ đại học 100%.
+ Nhà trường vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, huân chương Lao động hạng B và đạt danh hiệu trường Tiên tiến và Tiên tiến xuất sắc của Thủ đô vào năm 2005.
+ Năm 2010 Trường đạt danh hiệu Tiên tiến xuất sắc, được Thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc, được Nhà nước tặng huân chương Lao động hạng Hai.
+ Năm 2020 Trường có điểm trung bình môn Toán cao nhất thành phố đạt 8,83.
Ngoài chương trình chính khóa với các môn học văn hóa nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ, nhóm, hội. Thông qua các hoạt động này học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng, năng khiếu của mình.
Đ iểm tuyển sinh đầu vào qua các năm
Điểm tuyển sinh đầu vào của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Hà Nội thuộc top 6 trường có mức đầu vào cao nhất tại thủ đô Hà Nội. Cụ thể:
+ Điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015: 52
+ Điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016: 52
+ Điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016-2017: 51,5
+ Điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018: 52,5
+ Điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019: 50
+ Điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020: 45,5
+ Điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021: 49
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Hà Nội được đầu tư hệ thống phòng học đa năng trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Trường có 1 tòa nhà 4 tầng gồm 21 phòng học và 1 tòa nhà tầng gồm 9 phòng học. Các phòng học đều đảm bảo có đầy đủ bàn ghế theo đúng tiêu chuẩn, đủ ánh sáng cùng với hệ thống quạt, điều hòa nhiệt độ.
Khuôn viên trường sạch sẽ, rộng rãi
Ngoài ra trường còn đầu tư xây dựng 3 phòng thực hành Lý, Hóa, Sinh, 1 phòng học quốc tế đảm bảo tiêu chuẩn học ngoại ngữ, 3 phòng học Công nghệ thông tin, 3 phòng học đa năng có trang bị máy chiếu thế hệ mới.
Lớp học trang bị đầy đủ thiết bị học tập hiện đại
Thêm nữa trường có sân vận động, thư viện, nhà thi đấu đa năng,…để phục vụ cho học tập và giao lưu thể dục thể thao.
Học phí Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Hà Nội như thế nào?
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Hà Nội là trường cấp 3 công lập trực thuộc Sở GD & ĐT TP.HN vì vậy mức học phí được thu theo quy định là 100.000-200.000 đồng/1 học sinh mỗi tháng. Thông tin học phí tham khảo từ nguồn thứ ba và có thể thay đổi theo từng kỳ học, vui lòng xem chi tiết tại trang website chính thức của nhà trường. Ngoài ra, các em có thể phải nộp thêm một số khoản khác như: tiền bảo hiểm y tế, tiền nước uống, tiền đồng phục... Những khoản thu thêm này sẽ cần sự thống nhất và nhất trí giữa các các bậc phụ huynh và nhà trường.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết đã giúp các bậc phụ huynh và các em học sinh đưa ra đánh giá chính xác về ngôi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Hà Nội. Ngôi trường này hứa hẹn sẽ mang đến môi trường học tập chất lượng để giúp các em thực hiện mơ ước của mình.
Mùa thu 1965, mặc dù đế quốc Mĩ đang leo thang chiến tranh, bắn phá miền Bắc, đe doạ tới an ninh Thủ đô, song Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội vẫn chỉ thị cho Sở Giáo dục thành lập thêm một trường cấp ba mới ở cửa ngõ phía Tây thành phố, với cái tên: trường cấp III Trần Phú (tiền thân của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay), đáp ứng nguyện vọng chính đáng khát khao hiểu biết văn hoá, vươn tới ánh sáng khoa học của nhân dân lao động vùng ngoại thành.
Trường cấp III Trần Phú khai giảng khoá học đầu tiên (1965 - 1966) tại địa điểm nhờ trường cấp II Phú Diễn. Đây là tổ ấm đầu tiên của 25 cán bộ, giáo viên cùng 300 em học sinh.
Những năm 1967 - 1968, giặc Mĩ mở rộng chiến tranh, bắn phá miền Bắc. Với tinh thần tương thân, tương ái, trường đón nhận thêm nhiều học sinh nội thành về sơ tán để tiếp tục học tập. Cơ sở lớp được tăng cường và phát triển thêm ở thôn Đình Quán, trường tách thành hai đơn vị: Trần Phú A và Trần Phú B. Đến giữa năm 1968, khi giặc Mĩ ngừng ném bom, tên trường Trần Phú B mãi mãi trở thành kỉ niệm đẹp của học sinh nội thành, khi họ trở về trường cũ tiếp tục học tập. Trường Trần Phú A được tiếp nhận một khu đất mới gần quốc lộ 32 (là nơi tọa lạc của trờng THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay) để xây dựng và phát triển lâu dài. Tại đây, bằng sức lao động của thầy và trò, khu hiệu bộ, phòng thí nghiệm và 15 phòng học hiện diện như có phép màu và kịp gióng tiếng trống khai trường đón năm học mới, vui mừng đón nhận cái tên mới - trường cấp 3 Minh Khai - tên người nữ chiến sĩ cộng sản trung kiên của Đảng.
Giữa những năm 1971 - 1972, khi đế quốc Mĩ mở cuộc chiến tranh bằng không quân lần thứ hai với quy mô ác liệt, đánh phá Hà Nội, trường sơ tán về Tây Tựu và Thượng Cát. Thầy và trò lại ra sức củng cố trường lớp, đào hào, đắp lũy để tiếp tục dạy và học. "Tiếng hát át tiếng bom", học sinh vẫn đến trường ngày một đông, không khí thi đua học tập sôi nổi hoà trong tiếng súng chống trả quyết liệt của quân và dân Hà Nội với trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" đánh bại cuộc tập kích chiến lược của pháo đài bay B. 52 của đế quốc Mĩ.
Sau hiệp định Pa-ri tháng 1 năm 1973, mái trường xưa lại đón đàn con trở về trong không khí tươi vui, hào hùng của ngày chiến thắng. Thầy và trò phấn khởi bắt tay vào củng cố cơ sở vật chất, tiếp tục phong trào thi đua "Hai tốt".
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, 1500 em học sinh của trường đã lên đường tòng quân. Sau chiến tranh, học sinh trở về. Trên 200 em là thương binh, 80 em là liệt sĩ, các em đã ngã xuống ở khắp các chiến trường miền Nam, nhiều em đã dâng trọn tuổi trẻ của mình để “Làm nên Đất Nước muôn đời”. Hiện nay, nhiều học sinh của những khoá đầu tiên đã trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc nhiều ngành nghề, nhiều người đang giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Sau 1975, nhiều thầy giáo của trường đã tình nguyện đến với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên để tăng cường cho ngành Giáo dục của những tỉnh này như thầy Phan Sĩ Phiên, thầy Đỗ Văn Đạt, thầy Cao Minh Khanh ...Các thế hệ học sinh không bao giờ quên những thầy, cô giáo từng là người có công đóng góp quan trọng cho mái trường này từ những ngày đầu thành lập. Có thể kể đến thầy giáo Nguyễn Trọng Quỳ - Hiệu trưởng, cô giáo Trần Thị Vi, Nguyễn Thị Minh, thầy Phan Sĩ Phiên - Phó Hiệu trưởng
Đại thắng 30 - 4 - 1975, đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật của CNXH. Trường cấp 3 Minh Khai được cấp trên tạo mọi điều kiện về kinh phí để tiếp tục củng cố và phát triển. Những dãy nhà tranh tre nứa, lá đã được thay thế bằng ba dãy nhà cấp bốn với 15 phòng học và các phòng chức năng. Trường thu hút học sinh ngày càng đông trên địa bàn 11 xã phía tây Từ Liêm (Mai Dịch, Cầu Diễn, Mỹ Đình, Mễ Trì, Phú Diễn, Minh Khai, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Tây Tựu, Thượng Cát, Liên Mạc). Phần lớn học sinh của trường là con em nông dân. Vất vả trong cuộc sống lao động, nhưng các em rất cần cù, nỗ lực trong học tập. Số học sinh ở giai đoạn này hiện nay rất nhiều người đang là cán bộ cốt cán, chuyên viên cao cấp của nhiều ngành nghề, nhiều đồng chí đang là lãnh đạo chủ chốt của địa phương.
Cùng với giáo dục Thủ đô, trường PTTH Minh Khai chuyển sang giai đoạn quan trọng: thời kì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng với mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Trường đã được kiên cố hóa bằng khối nhà hai tầng khang trang, sân trường được bê tông hóa và rợp bóng cây xanh, có nhà thể chất, nhà để xe, sân bóng, có tường cao bảo vệ, với 38 lớp, học sinh tăng lên đến gần 1700 em, CBGV cũng tăng lên trên 65 đồng chí. Mặc dù học sinh của trường phần lớn là con em nhân dân địa phương, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, văn hoá xã hội trong giai đoạn đổi mới có nhiều biến động, tệ nạn xã hội bắt đầu gia tăng, tuy nhiên với sự lãnh đạo sâu sát của Ban Giám Hiệu, của Chi bộ Đảng, với ý thức trách nhiệm của các thầy cô giáo, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng cao. Hàng năm, số học sinh giỏi ngày càng tăng, trường luôn đứng trong tốp các trường dẫn đầu về thi học sinh giỏi khối ngoại thành. Công tác hướng nghiệp cũng được chú ý, trường có vườn, ruộng, ao, lò gạch, các xưởng thêu, đan ... vừa để học sinh thực hành, vừa tăng kinh phí phục vụ cho dạy và học. Đầu những năm 90, trường đổi mới công tác hướng nghiệp như: xây dựng phòng vi tính, kết hợp với trung tâm GDKTTH số 5 để giúp các em học nghề và lao động hướng nghiệp. Thiếu đồ dùng dạy học, thầy và trò tự sáng tạo. Trong các cuộc thi làm đồ dùng dạy học do Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức, sản phẩm của một số thầy cô và các em học sinh đã giành được nhiều giải cao.
Bên cạnh đó, công tác Công đoàn, Đoàn thanh niên cũng đã khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức mình trong nhà trường, nhiều năm các đoàn thể này được công nhận là đơn vị có phong trào thi đua hàng đầu của ngành giáo dục Thủ đô. Trường liên tục được công nhận là trường Tiên tiến của ngành Giáo dục Thủ đô.
Những năm 1995 – 2005, hoà chung trong sự ổn định và phát triển mạnh mẽ của Hà Nội nói chung, huyện Từ Liêm nói riêng, thầy và trò nhà trường đã chủ động sáng tạo nắm bắt vận hội mới, xây dựng phát triển vị thế nhà trường lên một tầm cao mới. Trường đạt danh hiệu trường Tiên tiến và Tiên tiến xuất sắc của Thủ đô, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Ban thi đua khen thưởng TW tặng huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005). Chi bộ Đảng nhiều năm liền đạt danh hiệu chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, số Đảng viên liên tục tăng. Công đoàn nhà trường đã góp phần xây dựng tập thể trở thành "tổ ấm thứ hai" của tất cả công đoàn viên. Với những thành tích đã đạt được, công đoàn đã được Tổng liên đoàn LĐVN, Liên đoàn LĐ Hà Nội tặng cờ thi đua xuất sắc. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của trường tiếp tục khởi sắc với nội dung hoạt động đổi mới, đa dạng, hình thức phong phú. Nhiều đoàn viên được TW Đoàn tặng bằng khen, nhiều nữ sinh được TW Hội phụ nữ Việt Nam, Thành Đoàn Hà Nội, tặng danh hiệu "Nữ sinh tài năng, duyên dáng", danh hiệu Lí Tự Trọng ... . Đoàn trường được TW Đoàn, Thành đoàn Hà Nội tặng nhiều bằng khen.
Từ những năm 2005 đến nay, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích rất đáng khích lệ. Bên cạnh thành tích học tập luôn đứng trong top 10 trường THPT có điểm đầu vào và đầu ra cao nhất Thành phố, các mặt hoạt động khác cũng có những kết quả đầy rực rỡ. Trường luôn đạt danh hiệu đơn vị Tiên tiến xuất sắc về TDTT của Thành phố. Hoạt động phong trào, sinh hoạt tập thể, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức đã thực sự khởi sắc và thu được kết quả đáng mừng. Trong các cuộc thi Giai điệu tuổi hồng, Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, đội văn nghệ nhà trường đều giành giải Nhất, Nhì cấp Cụm và cấp Thành phố. Đội bóng đá nhà trường ba lần vào Chung kết và giành chức Vô địch Cúp báo ANTĐ dành cho học sinh THPT các năm 2011, 2013, 2017.
Hệ thống phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc của thầy cô giáo tiếp tục được trang bị mới, đủ điều kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị của trường. Hệ thống máy phục vụ cho việc phát triển CNTT được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả.
Trong lịch sử gần 60 năm xây dựng phát triển của nhà trường, những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã trao cơ hội vàng cho giáo dục vươn lên. Để nắm bắt được thời cơ đòi hỏi phải vượt qua thách thức lớn, đó là phải xây dựng đội ngũ thầy cô giáo và CBQL có đủ đức, đủ tài, có khả năng thích ứng cao với sự phát triển năng động của xã hội, đồng thời phải thực hiện đồng bộ đổi mới quản lí, đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Chỉ thị 40 - CT/TƯ của Ban bí thư và Chỉ thị 35 CT/TU của Thành uỷ Hà Nội về việc xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục là một giải pháp quan trọng. Sở GDĐT Hà Nội đã chú trọng và đặc biệt quan tâm triển khai sâu rộng phong trào "Xây dựng nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch", cuộc vận động "Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm", cuộc vận động "Hai không", cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" và cuộc vận động xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ về mọi mặt. Hưởng ứng những cuộc vận động này, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã chủ động sáng tạo đưa những nội dung ấy vào mọi mặt hoạt động trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục toàn diện. Chất lượng đã thực sự trở thành thước đo danh dự của thầy và trò nhà trường.
Ban Giám hiệu nhà trường là một tập thể đoàn kết, năng động và có ý thức đổi mới cao, là động lực đưa vị thế nhà trường phát triển lên một tầm cao mới. Chất lượng đội ngũ CBGV được nâng lên, đáp ứng nhiệm vụ đổi mới và sự phát triển lâu dài của nhà trường. Các thầy cô đã biết hợp tác để quy tụ sức mạnh, trở thành một tập thể tài năng và thổi một luồng gió đổi mới vào mọi hoạt động của nhà trường. Có được thành công này phải kể đến tinh thần trách nhiệm cao, sự làm việc công tâm trong sáng, chọn đúng người, đúng việc của BGH nhà trường và các thầy cô tổ trưởng chuyên môn. Các thầy cô giáo nhà trường luôn được CMHS tin yêu quí mến, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong học sinh ngày hôm nay. Cũng trong thời gian này, số giáo viên có trình độ Thạc sỹ ngày một tăng (trong đó có 01 đ/c là Tiến sĩ và 1 đ/c đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ)
Thầy dạy tốt, trò cũng thi đua học tập, rèn luyện tốt. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi ngày càng tăng. Số học sinh đạt giải HSG bộ môn cấp Thành phố hàng năm tăng dần, từ 15 đến 20 giải/ năm. Học sinh thi đỗ tốt nghiệp đạt 100% vượt chỉ tiêu thành phố giao. Đặc biệt, nhà trường đã có nhiều em đạt kết quả thi Đại học từ 27 điểm trở lên. Đây là những kết quả rất đáng tự hào và cần tiếp tục "Phát huy truyền thống, nối tiếp thành công" trong những năm tới.
Với gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ một mái trường nhỏ ở một vùng ngoại ô thành phố, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã vươn lên thành một đơn vị TTXS, một điểm sáng của Giáo dục - Đào tạo Thủ Đô và cả nước, là địa chỉ thân quen và tin yêu của học sinh và cha mẹ học sinh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và Thành phố Hà Nội, xứng đáng với vai trò khai sáng trên mặt trận Giáo dục.
a. Trường học an toàn và thân thiện cho trẻ em:
Nhà trường luôn xác định Học sinh là trung tâm của mọi hoạt động. Việc đảm bảo toàn là ưu tiên hàng đầu tại Nhà trường. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, PCCC, sơ cấp cứu cũng như những kỹ năng an toàn khác luôn được nhà trường trang bị cho các em học sinh. Với đa dạng các hoạt động giáo dục về an toàn thường xuyên, học sinh luôn được bảo vệ trong một môi trường an toàn và thân thiện. Các mối quan hệ thầy trò, bạn bè luôn được xây dựng trên 5 giá trị cốt lõi đó là: nhân văn, trách nhiệm, tự tôn, trí tuệ, sáng tạo.
b. Trường học không gian học tập và vui chơi xanh
Với hơn 11.000 m2, hệ thống cây xanh lâu năm, không gian xanh bao quanh trường không chỉ mang đến bầu không khí trong lành mà còn là nơi học sinh được trải nghiệm thiên nhiên, khám phá và sáng tạo.
Hệ thống sân cỏ nhân tạo, các khu tập thể dục đa năng, sân bóng rổ và nhiều khu vui chơi, giải trí khác được thiết kế khoa học, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện thể chất và phát triển các kỹ năng sống.
c. Trường học có giáo viên thân thiện
Với Phương châm Nhân văn là giá trị mà các thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường luôn vun đắp, gìn giữ. Trách nhiệm là phẩm chất được nhà trường luôn có ý thức giáo dục học sinh để các em không chỉ có trách nhiệm với bản thân, với người thân mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng. Tự tôn là phẩm giá nổi bật của giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Đội ngũ giáo viên của THPT Nguyễn Thị Minh Khai không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất tâm huyết, nhiệt tình. Các thầy cô luôn tạo ra một không khí lớp học ấm áp, khuyến khích học sinh tự tin thể hiện bản thân và đặt câu hỏi.
d. Trường học có phương pháp dạy học hấp dẫn
Giáo viên luôn đổi mới phương pháp dạy học vào từng bài giảng giúp học sinh chủ động khám phá kiến thức. Các hoạt động học tập đa dạng, kết hợp lý thuyết với thực hành, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức lâu bền và phát triển tư duy sáng tạo.
e. Trường học có nhiều hoạt động ngoại khóa
Nhân – Thể - Mỹ là bộ ba tiêu chí phát triển học sinh mà nhà trường luôn hướng tới. Ngoài những tiết học trên lớp, Nhà trường còn tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú như các Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thông, CLB nhảy Illusolar Dance Crew, CLB Sách và Hành động, CLB nhiếp ảnh MPC, các CLB thể thao, nghệ thuật, khoa học giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Các chuyến dã ngoại, tham quan không chỉ mang lại những trải nghiệm thú vị mà còn giúp học sinh mở mang kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống.
f. Trường học quan tâm sức khỏe và dinh dưỡng
Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên giúp học sinh rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần. Các cuộc thi đấu bóng đá, bóng rổ dịp hè hay các cuộc thi đấu thể thao tại Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, cấp Quận và cấp Thành phố, học sinh nhà trường luôn đạt được thành tích cao.
Ngoài sức khỏe thể chất, nhà trường cũng quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho học sinh. Phòng Tư vấn tâm lý học sinh được thành lập và hoạt động hiệu quả, giải tỏa những căng thẳng trong đời sống học đường và các vấn đề tuổi vị thành niên khác.
Sáng tạo là yêu cầu cần có ở mọi thành viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Trong công cuộc chuyển đổi số và phát triển giáo dục, giáo viên và học sinh nhà trường luôn phải vượt lên chính mình, tự làm mới chính mình để thực hiện sứ mệnh tiếp nối và phát triển. Vì vậy, mọi thành viên của trường đều nhận thức rõ sáng tạo là yêu cầu tiên quyết để tạo ra các giá trị, đều được tạo điều kiện tối đa để tự chủ và sáng tạo trong công việc.
Các cuộc thi trí tuệ được tổ chức thường niên như: Thi làm sản phẩm STEM, Đấu trường toán học, cuộc thi hát tiếng Anh “Sing out loud”, thi sân khấu hóa tác phẩm văn học, và đặc biệt là cuộc thi “Đường đến trường quay S14”. Đây là dịp để học sinh được thỏa sức sáng tạo và thử thách bản thân.
Học tập và hoạt động ngoại khóa cân bằng luôn được nhà trường chú trọng. Trường luôn cân nhắc giữa việc truyền đạt kiến thức và đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của học sinh.