Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 9/2023 cả nước xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,54 tỷ USD, trị giá bình quân đạt 551,5 USD/tấn, tăng 19,5% về lượng (tăng 35,9%) và tăng 13,7% về trị giá bình quân so với cùng kỳ năm 2022.
THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG NHƯNG CẦN ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ CÁC RỦI RO
Liên quan đến thị trường tăng “đột biến” 4 con số là Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết nước này sẽ cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, theo tuyên bố của tổng thống Indonesia Widodo. Đây được xem là cơ hội lớn cho mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng xác nhận Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung cấp gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo dự trữ sắp tới cho quốc gia vạn đảo này. Khả năng việc nhập khẩu gạo này sẽ được thực hiện sớm nhất trong tháng 10/2023.
Indonesia chọn Việt Nam là nguồn cung chính cho các đợt thu mua lúa gạo vì theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, gạo Việt Nam luôn là nguồn cung uy tín, giành được sự tin tưởng của chính phủ và người tiêu dùng Indonesia trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về sản lượng lương thực sản xuất trong nước do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Điều này giúp khẳng định thêm vị thế, uy tín chất lượng của hạt gạo Việt Nam.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã có Văn bản số 08/SQ/TV/2023 ngày 27/3/2023 gửi Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam đề cập về việc nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia của Indonesia trong năm 2023. Theo Thương vụ Việt Nam, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống và trọng điểm của Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ Indonesia đã ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Liên quan tới gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì 1,2 triệu tấn như hiện nay, nhằm bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia này.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ra khuyến cáo gửi các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam, đề nghị họ cần chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu cũng như góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý các thương nhân chủ động phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang có nhiều biến động.
Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và Philippines vừa đưa ra những tuyên bố lên án vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến 10 người bị thương, giữa lúc Washington và các đồng minh cam kết tăng cường an ninh hàng hải ở khu vực. “Mỹ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9”, ông Mathew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 3/10 trên trang X.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây bất ổn ở Biển Đông”, ông Miller bày tỏ.
Cũng hôm 3/10, phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các báo cáo đề cập tới một vụ việc “nghiêm trọng” ở quần đảo Hoàng Sa liên quan đến một tàu cá Việt Nam và một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vào ngày 29/9.
EU nói rằng cần phải duy trì và tôn trọng mọi lúc moi nơi Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và các chuẩn mực quốc tế khác liên quan đến sự an toàn cho tính mạng con người trên biển. “Điều này đặc biệt bao gồm việc cấm sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”, EU nhấn mạnh.
“EU lên án mọi hành động phi pháp, leo thang và cưỡng ép làm suy yếu các nguyên tắc kể trên của luật pháp quốc tế cũng như đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực”, phái đoàn EU nêu rõ và “kêu gọi giảm căng thẳng” đồng thời nói rằng EU “luôn cam kết hỗ trợ các đối tác của mình tìm cách thực hiện các quyền hợp pháp của họ, trong khu vực và xa hơn nữa”.
Philippines, quốc gia trong vài năm qua liên tục có mối quan hệ đầy căng thẳng với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, hôm 4/10 cũng tỏ rõ quan điểm đứng về phía Hà Nội.
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và bất hợp pháp của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9/2024”, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo M. Ano cho biết trong tuyên bố ngày 4/10, nói thêm rằng việc 10 ngư dân bị thương và tài sản bị hư hỏng là “hành động đáng báo động, không có chỗ đứng trong quan hệ quốc tế”. Ông Ano đưa ra nhận định rằng việc sử dụng vũ lực như vậy đối với ngư dân dân sự là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS, vi phạm các phép lịch sự cơ bản của con người.
“Chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam trong việc tố cáo hành động nghiêm trọng này và kêu gọi về trách nhiệm giải trình. Trung Quốc phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế và chấm dứt mọi hoạt động thù địch gây nguy hiểm đến tính mạng và sinh kế của các thủy thủ dân sự”, Bộ trưởng Año nói thêm.
Cũng hôm 4/10, Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra quan điểm tương tự, nói rằng “Philippines liên tục lên án việc sử dụng vũ lực, gây hấn và đe dọa ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc các bên thực sự cần phải tự kiềm chế”, theo trang Inquirer.
Các nhà ngoại giao các nước phương Tây tại Hà Nội gồm Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski và Đại sứ Anh Iain Frew cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự trên trang X.
VOA đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Washington, Manila và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đề nghị họ đưa ra bình luận đề các phát biểu trên, nhưng chưa được phản hồi.
Trước đó, hôm 2/10, chính quyền Việt Nam “mạnh mẽ phản đối” việc lực lượng chấp pháp Trung Quốc đánh bị thương ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền nhưng đã bị Bắc Kinh chiếm đóng và quản lý hơn 50 năm qua.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng lực lượng Trung Quốc “trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản” của ngư dân Việt Nam trên tàu cá QNg 95739 TS thuộc tỉnh Quảng Ngãi trong khi con tàu này đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9.
“Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam”, bà Hằng nói, cho biết thêm rằng cơ quan hữu quan của Việt Nam đã “giao thiệp nghiêm khắc” với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, yêu cầu Bắc Kinh không tái diễn các hành động tương tự.
Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc lực lượng của họ đã “tiếp cận mạnh tay” để ngăn chặn tàu thuyền Việt Nam hoạt động trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa phản hồi tuyên bố của Hà Nội. Trước đó, hôm 1/10, hãng tin Reuters loan tin rằng phía Trung Quốc cho biết cơ quan chức năng của họ “đã ngăn chặn các tàu đánh cá Việt Nam đang đánh bắt trái phép”. Bắc Kinh nói: “Các hoạt động tại chỗ rất chuyên nghiệp và hạn chế và không có việc xảy ra thương tích”.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, khoảng 40 nhân viên Trung Quốc đã đánh các ngư dân nói trên bằng gậy sắt, khiến ít nhất 4 người bị thương nặng và phải nhập viện sau khi họ về đến đất liền hôm 30/9. Lực lượng Trung Quốc cũng được cho là đã đập phá thiết bị đánh bắt cá và lấy đi số cá đánh bắt được của nhóm ngư dân.
Giới quan sát nhận định rằng cộng đồng quốc tế cần lên án hành động “tàn ác” của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, gọi đó là hành động tấn công vô cớ, đập cướp phi pháp, đồng thời kêu gọi cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những hành động như vậy.
“Bộ Ngoại giao Mỹ, EU, Philippines cùng lên tiếng. Vấn đề [tranh chấp] Biển Đông, xảy ra từ lâu lắm rồi, nhưng nay các nước cùng lên tiếng để hỗ trợ Việt Nam. Nhờ sự can thiệp hay lên tiếng của Hoa Kỳ, EU, thì Trung Quốc có thể sẽ bớt đi sự hung hăng hay bắt nạt”, ông Nguyễn Sơn Hà, một người Việt sinh sống tại Pháp, nêu ý kiến với VOA.
Tuy nhiên, từ Brussels, Bỉ, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, một người theo dõi các quan hệ ngoại giao của Việt Nam với châu Âu, nêu nhận định qua tin nhắn với VOA hôm 4/10 rằng các phát biểu trên, cụ thể là của EU, phần lớn, “mang tính ngoại giao”, và “không có trọng lượng gì đáng kể” so với “tính hung hăng”, “chiến lược diều hâu” đang trên đà thắng thế của Trung Quốc sau thời gian dài giằng co, bắt nạt Philippines.
“Việc Philippines ủng hộ Việt Nam là điều hết sức tự nhiên, cả hai quốc gia đều bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông”, ông Hải nhận xét, nói thêm rằng Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Tổng thống Philippines đã từng có hội đàm về Biển đông và cả Hà Nội lẫn Manila cũng đã có “những chỉ dấu là đồng minh của nhau trong việc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông”.
Ngoài Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hoa Kỳ không có yêu sách gì ở vùng biển tranh chấp, nhưng đã triển khai tàu hải quân và máy bay chiến đấu của không quân để tuần tra vùng biển này và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không.
Philippines và các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khối EU cũng cam kết thực hiện một chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông thoáng, rộng mở do Washington dẫn đầu.
Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ là chớ can thiệp vào những gì nước này cho là tranh chấp thuần túy ở châu Á.