Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức vào ngày 5/6 hàng năm, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn cầu.
Ngày Môi trường Thế giới là gì?
Ngày Môi trường Thế giới còn có tên gọi khác là ngày bảo vệ môi trường, được viết theo tên tiếng anh là World Environment Day. Đây cũng chính là một ngày đặc biệt mà người dân trên toàn cầu cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường và Trái Đất của chúng ta. Thông qua các hoạt động ý nghĩa và thiết thực, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm hơn đối với môi trường – Trái Đất xanh.
Ngày 5 tháng 6 năm 1972 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định chọn làm Ngày Môi trường Thế giới và giao cho chương trình Môi trường (UNEP) của tổ chức Liên Hợp Quốc đứng ra tổ chức kỷ niệm.
Trong ngày 5/6, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ công bố chính thức thông điệp bảo vệ môi trường theo từng năm. Đặc biệt trong đó không thể thiếu nội dung định hướng các vấn đề về môi trường và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Đó cũng dịp để các tổ chức môi trường, chính phủ tham gia ký kết các hiệp ước về môi trường.
Vì sao Ngày Môi trường Thế giới ra đời?
Bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
Hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người & Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển từ 5 - 6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.
Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường Thế giới 5/6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.
Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảovệ môi trường.
Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.
Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 3556/BTNMT-TTTT ngày 19/5 gửi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6) năm 2023.
Ngày Môi trường thế giới năm 2023: “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution)
Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution) , trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).
Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.
Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động, như sau:
Một là, tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ…
Hai là, xây dựng ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa. Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.
Ba là, các cơ quan truyền thông đại chúng tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Đa dạng các công cụ, phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, cho hành động “Chống ô nhiễm nhựa” để tạo sự lan toả, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Bốn là , thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Đối với các tỉnh/thành phố cần có ít nhất 01 mô hình cụ thể về “Chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương. Ra quân dọn, xử lý rác tại các điểm đen và ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ, bờ biển. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa.
Năm là, căn cứ tình hình thực tế, cao điểm từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6 năm 2023, đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như thành lập liên minh nói không với túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích thiết kế từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 đạt tính lan tỏa cao.
Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023: “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”
Ngày Đại dương thế giới (ngày 08/6 hằng năm) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương.
Năm 2023, chủ đề của Ngày Đại dương thế giới được Liên hợp quốc phát động "Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi" (Planet Ocean: Tides are Changing ), với ý nghĩa Đại dương bao phủ phần lớn Trái đất, nhưng mới một phần nhỏ các vùng biển được khám phá. Mặc dù, cuộc sống của nhân loại phụ thuộc vào đại dương, nhưng đại dương chỉ đang nhận được một phần nhỏ sự quan tâm của chúng ta. Tuy nhiên, mọi thứ trên Trái đất đang thay đổi, cả trên đất liền và đại dương bao la, sâu thẳm. Nhân loại cần cùng hành động, trân trọng, bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh của chúng ta.
Thực thi Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01 - 08/6) năm 2023 “ Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” .
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, phối hợp tổ chức các nội dung sau đây:
Một là, tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; của tài nguyên, môi trường biển, đảo trong phát triển bền vững; công tác tuyên truyền biển đảo năm 2023 theo Hướng dẫn số 94-HDBTGTW ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền và thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 22 tháng 10 năm 2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023...
Hai là, căn cứ điều kiện thực tế, cao điểm tổ chức đồng loạt các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2023 như: treo băng rôn, pano, áp phích về chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2023; hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra, nghiên cứu khoa học về biển, hải đảo cũng như hệ thống thông tin thủy triều, hải văn để phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ba là, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; khuyến khích các nghiên cứu về biển, đảo, hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển; tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng; phát động các phong trào cộng đồng, ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; đặc biệt tại 28 tỉnh/thành phố có biển trên toàn quốc phải có các hoạt động ra quân làm sạch bờ biển đáp ứng yêu cầu sau thời gian ra quân hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam không còn tình trạng rác thải trôi dạt bờ biển. Tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, truyền thông và thông tin đối ngoại về biển, đảo Việt Nam. Đổi mới và đa dạng hóa, hiện đại hóa về hình thức, nội dung, phương thức, phương tiện thông tin, tuyên truyền; xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; giữa các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện ở nước ngoài. Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền về biển, đảo. Tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí; mở rộng hơn nữa lực lượng làm công tác tuyên truyền về biển, đảo.
Năm là, các cơ quan truyền thông đại chúng tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2023. Trong đó, tuyên truyền tấm gương điển hình tiên tiến trong các hoạt động phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; xây dựng văn hoá sinh thái biển; tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; khơi dậy niềm tin, khát vọng phát triển bền vững kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Đồng thời, phát hiện, biểu dương và kịp thời khen thưởng vinh danh tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường là đơn vị đầu mối để phối hợp hướng dẫn tổ chức các hoạt động nêu trên. Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Bà Đặng Thị Hằng, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, điện thoại: 0985.495.256, thư điện tử: [email protected]
Chi tiết nội dung Công văn tải tại đây .
Bộ thiết kế Ngày Môi trường thế giới 2023 tại đây
và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2023 tải tại đây
Ngày Môi trường thế giới là ngày bảo vệ môi trường, có tên tiếng Anh là World Environment Day, đây là ngày mà toàn thể người dân trên thế giới cùng tham gia vào các hoạt động khác nhau do UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) tổ chức nhằm bảo vệ và chăm sóc cho môi trường Trái đất. Đây cũng là ngày để nâng cao nhận thức của con người về sự biến đổi khí hậu, ý thức về vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn của sự sống, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Trong tuần lễ quanh ngày 5/6 hàng năm, các nước sẽ tổ chức các hoạt động để hứng ứng, cùng với đó là các chủ đề theo từng năm.
Năm 2023, UNEP phát động chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Còn chủ đề của ngày Môi trường Thế giới 2024 sẽ là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience). Sự kiện này sẽ diễn ra vào thứ 4 tới.
Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày 5/6/2024
Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định…
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường
Theo quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm như sau:
- Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
- Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
- Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.
- Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
- Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.
- Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.
- Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.
- Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về nguyên tắc bảo vệ môi trường như sau:
- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.
- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
Ngày Môi trường Thế giới, các cấp các ngành, địa phương nhiệt tình hưởng ứng thông qua các hoạt động cụ thể như: treo băng rôn, áp phích, pano để tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi mít tinh hưởng ứng, các buổi ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tiến hành thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại cơ quan đơn vị và khu dân cư và có cả việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, nhiệm vụ, đề án, dự án về bảo vệ môi trường,…