Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014.
Chế độ nghỉ phép năm đối với quân nhân trong quân đội:
Điều 5 113/2016/TT-BQP quy định về chế độ nghỉ phép hằng năm đối với quân nhân trong quân đội như sau:
– Thời gian được nghỉ phép năm của quân nhân trong quân đội:
+ Quân nhân hoạt động dưới 15 năm được nghỉ phép năm là 20 ngày;
+ Quân nhân phục vụ trong quân đội từ đủ 15 năm đến dưới 25 năm thì được nghỉ phép năm là 25 ngày;
+ Quân nhân phục vụ trong quân đội từ đủ 25 năm trở lên thì được nghỉ phép năm 30 ngày.
– Đối với quân nhân chuyên nghiệp đóng quân cách xa gia đình được ưu tiên nghỉ phép hằng năm như sau:
+ Quân nhân chuyên nghiệp đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được nghỉ thêm 10 ngày phép mỗi năm;
+ Quân nhân đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1,0 được nghỉ thêm 05 ngày mỗi năm.
Quy định về thời gian cho thêm ngày nghỉ phép năm đối với quân nhân chuyên nghiệp đảm bảo khoảng cách từ gia đình đến đơn vị là chính sach hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước đối với các chủ thể này.
– Thời gian đi đường của quân nhân không tính vào số ngày được nghỉ phép hằng năm.
– Trong trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, quân nhân chuyên nghiệp không được đơn vị bố trí nghỉ phép hằng năm thì ngoài tiền lương, quân nhân chuyên nghiệp còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Thông tư 113/2016/TT-BQP Quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
Thông tư 153/2017/TT-BQP Quy định chế độ nghỉ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam
Sĩ quan, quân nhân trong quân đội là ai?
– Sĩ quan là cán bộ thuộc Lực lượng Vũ trang của một quốc gia có chủ quyền, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ khác được Nhà nước của Quốc gia đó phong, thăng quân hàm cấp Úy, Tá, Tướng. Có thể hiểu, sỹ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang của Việt Nam, đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Sĩ quan quân đội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm quản lý và lãnh đạo các đơn vị cấp dưới. Sĩ quan quân đội là chức vụ được Nhà nước giao phó. Về cơ bản, chức danh này cũng có sự thăng quân hàm từ thấp đến cao. Ở từng mức quân hàm cụ thể, chức danh của sĩ quan được xếp cao thấp khác nhau. Đây là một bộ phận quan trọng trong lực lượng vũ trang của Việt Nam, tạo nên sức mạnh và xây dựng, quản lý hoạt động của bộ phận quân đội, nơi mà họ được phân công, bổ nhiệm công việc.
– Quân nhân là tên gọi chung cho những người phục vụ trong Lực lượng vũ trang của một quốc gia nói chung, trong một đơn vị quân đội nói riêng. Quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam là những người phục vụ trong lực lượng vũ trang của Việt Nam. Đây là những chủ thể có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh chính trị của đất nước ta. Thực tế, quân nhân được chia làm hai cấp độ: Quân nhân và quân nhân chuyên nghiệp.
Như vậy, từ những phân tích ở trên, có thể hiểu, sĩ quan, quân nhân trong quân đội là những lực lượng trực tiếp hoạt động trong quân đội nhân dân Việt Nam. Đảm nhận những nhiệm vụ riêng biệt, song, đây là hai lực lượng đóng vai trò quan trọng trong công tác hoạt động của quân đội, chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, duy trì nền hòa bình cho nước nhà.
Hiện nay, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về các chính sách đối với các chủ thể hoạt động trong quân đội. Các quy định này mang tính áp dụng về hoạt động của các chủ thể này, bao gồm chính sách hỗ trợ, công việc cụ thể, chế độ nghỉ phép… Do đây là lĩnh vực đặc biệt, nên cá nhân hoạt động ở đây cũng được điều chỉnh theo những quy chuẩn, quy định riêng.
Chế độ nghỉ phép năm đối với sĩ quan:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 153/2017/TT-BQP, sĩ quan được hưởng các chế độ nghỉ phép sau đây:Nghỉ phép hằng năm; Nghỉ phép đặc biệt; Nghỉ ngày lễ, tết; Nghỉ an điều dưỡng; Nghỉ hằng tuần; Nghỉ chuẩn bị hưu. Trong thời gian nghỉ theo chế độ nêu trên, sĩ quan được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp; được thanh toán tiền nghỉ phép của Bộ Quốc phòng quy định chế độ thanh toán tiền nghỉ phép đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, đơn vị Quân đội.
Nghỉ phép năm là một trong những chế độ mà sĩ quan được hưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 4 Thông tư 153/2017/TT-BQP quy định về chế độ nghỉ phép năm đối với sĩ quan như sau:
– Khoản 1 Điều 4 thông tư 153/2017/TT-BQP quy định về thời gian nghỉ phép năm của sĩ quan là:
+ Sĩ quan được hưởng nghỉ phép năm là 20 ngày nếu công tác dưới 15 năm.
+ Sĩ quan được hưởng nghỉ phép năm 25 ngày nếu công tác từ đủ 15 năm đến 25 năm.
+ Sĩ quan được nghỉ phép năm 30 ngày nếu công tác từ đủ 25 năm trở lên.
Có thể thấy, thời gian nghỉ phép năm của sĩ quan được áp dụng theo mức độ tăng dần, dựa vào thời gian công tác, làm việc của sĩ quan trong quân đội. Thực tế, quy định về mức nghỉ phép năm mà Nhà nước đưa ra hoàn toàn hợp lý. Xét vào tính chất của môi trường quân đội, luôn mang tính chất kỷ luật và nề nếp. Mức nghỉ phép năm sẽ mang tính áp dụng chung, buộc các cá nhân phải tuân thủ thực hiện. Cùng với đó, việc sắp xếp mức độ thời gian được nghỉ tạo nên sự công bằng trong cơ chế áp dụng. Chủ thể nào có thời gian hoạt động, công tác trong môi trường quân đội lâu hơn thì được hưởng nghỉ phép năm dài hơn.
Quy định về thời gian nghỉ phép năm theo quy định tại điều luật này mang tính áp dụng chung cho tất cả các sĩ quan hoạt động trong quân đội. Đây cũng là cơ sở để các sĩ quan điều chỉnh, sắp xếp các kế hoạch sao cho phù hợp và ăn khớp với thời gian nghỉ mà Nhà nước cho phép.
– Các quy định về thời gian nghỉ phép năm đối với sĩ quan được phân tích ở trên mang tính quy chuẩn chung nhất, áp dụng các sĩ quan có hoàn cảnh bình thường. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các sĩ quan thuộc trường hợp đặc biệt, Nhà nước còn đưa quy định về việc nghỉ thêm đối với nghỉ phép hàng năm. Theo đó, sĩ quan, ở đơn vị đóng quân xa gia đình khi nghỉ phép hằng năm được nghỉ thêm như sau:
+ Sĩ quan được nghỉ thêm phép hàng năm 10 ngày đối với các trường hợp: Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên; Đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, DK.
+ Sĩ quan được nghỉ thêm phép hàng năm 05 ngày đối với các trường hợp: Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km trở lên và có hệ số khu vực 0,5 trở lên; Đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực.
Quy định về việc áp dụng cho thêm ngày nghỉ phép năm của Nhà nước được áp dụng với các sĩ quan phải đóng quân xa nhà. Tùy vào khoảng cách giữa nhà và đơn vị, mà cán bộ cấp trên sẽ đưa ra quyết định về việc gia hạn thêm ngày nghỉ phép. Các quy định mà Nhà nước đưa ra mang tính thực tế cao. Nó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với các sĩ quan có hoàn cảnh xa nhà. Điều này tạo điều kiện cho sĩ quan có thêm thời gian nghỉ ngơi, ở bên gia đình.
– Sĩ quan thuộc trường hợp được hưởng thêm ngày nghỉ phép năm, do yêu cầu nhiệm vụ không thể nghỉ phép năm được, thì năm sau chỉ huy đơn vị xem xét, quyết định cho sĩ quan thuộc quyền được nghỉ bù phép năm trước. Nếu thuộc trường hợp đặc biệt, do yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị vẫn không bố trí cho sĩ quan đi phép được thì đơn vị phải thực hiện trách nhiệm thanh toán tiền lương đối với những ngày chưa được nghỉ phép năm.
Trên đây là những quy định cơ bản nhất về việc áp dụng nghỉ phép năm đối với sĩ quan hoạt động trong quân đội.